Bài viết đăng trên Vietstock.vn, trích nguồn từ báo Công Lý – Ảnh chụp màn hình.

Ngày 9/12, Tập đoàn FLC đã nhận được một số phản hồi của một số nhà đầu tư thắc mắc xung quanh các khoản phải thu, phải trả của FLC cũng như dòng tiền mà bài báo "FLC: Đột biến mảng Inox và lòng vòng “anh nợ tui – tui nợ anh” với Tập đoàn Thành Nam” đăng trên Vietstock.vn, trích nguồn từ báo Công Lý.

Về các vấn đề nhà đầu tư quan tâm, Tập đoàn FLC xin trả lời như sau:

1. Các khoản phải thu – phải trả của FLC với Tập đoàn Thành Nam:

Thương mại, đặc biệt là thương mại nguyên vật liệu xây dựng là một trong những mảng hoạt động mang lại doanh thu lớn cho Tập đoàn FLC trong các năm 2011, 2012. Việc chú trọng kinh doanh mảng này, dù có tỷ suất lợi nhuận không lớn, nhưng lại mang về nguồn thu khá ổn định trong giai đoạn vừa qua, nhất là khi mảng bất động sản gặp khó khăn chung.

Nhà đầu tư quan tâm đến FLC cũng biết, ngoài kinh doanh thép và các sản phẩm từ thép dạng thương phẩm, FLC còn là nhà nhập khẩu, cung cấp các nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy thép, inox (vấn đề này, FLC Global, đơn vị thành viên của FLC đã từng trả lời chi tiết trên báo Đầu tư Chứng khoán).

Trong thương mại, việc có nợ gối đầu là điều hết sức bình thường, trong khi, chu kỳ cho 1 đơn hàng có thể lên vài tháng, và đây là lý do vì sao, FLC vừa là chủ nợ, cũng đồng thời là con nợ của một số đối tác kinh doanh.

Mặt khác, với việc định hướng chuyển hết hoạt động kinh doanh này về cho FLC Global, nên các khoản phải thu, phải trả nói trên của FLC đã giảm mạnh và phấn đấu hết năm tài chính 2013 các khoản phải thu, phải trả bằng không.

2. Về vấn đề nợ, thanh khoản của Tập đoàn:

Kết thúc quý III/2013, tổng quy mô tài sản (hợp nhất) của FLC là hơn 1.800 tỷ đồng, quy mô vốn chủ sở hữu trên 1.244 tỷ đồng, không có dư nợ ngân hàng. Các khoản phải thu và phải trả giảm mạnh. Điều này cho thấy, hệ số vay nợ của FLC rất thấp, trong khi mức vay bình quân của các doanh nghiệp ngành bất động sản là khoảng 2 lần vốn chủ sở hữu.

Với quan điểm, khi còn chủ động thu xếp được nguồn tiền, FLC hạn chế sử dụng vốn vay, để dành nguồn lực cho việc phát triển các dự án trong tương lai. Đến thời điểm này, FLC đã thực hiện xong việc tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông như cam kết.

Thêm vào đó, năm 2013 FLC còn góp vốn, mua mới một loạt dự án bất động sản nâng quỹ đất dự án Tập đoàn đã và đang sở hữu lên tới hàng ngàn ha ở Hà Nội và lân cận chứ không phải bán rẻ dự án để đảm bảo thanh khoản như không ít doanh nghiệp, nên việc quy kết FLC thiếu thanh khoản là, không có cơ sở.
 

Theo FLC News